Ngày 10 tháng 7 năm 2024, Cushman & Wakefield Việt Nam phối hợp cùng The Executive Centre đồng tổ chức buổi họp báo “Tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam trong nửa đầu năm 2024”, và dự đoán xu hướng triển vọng của các thị trường trong thời gian tới. Buổi họp báo diễn ra tại tầng 18 của tòa nhà The Nexus, thu hút hơn 50 phóng viên và các đại diện truyền hình tham dự.
Tại buổi họp báo, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield chia sẻ những thông tin nổi bật trong nửa đầu năm, bao gồm:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2024 tăng 6,93%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.
- Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, dự kiến sẽ tạo ra những tác động tích cực đến thị trường.
- Thị trường căn hộ có nguồn cung mới giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá bán sơ cấp trung bình vẫn tăng 9% trong quý 2/2024.
- Thị trường nhà liền thổ ghi nhận sự xuất hiện của loại hình nhà phố thương mại kết hợp căn hộ mới. Giá bán nhà liền thổ sơ cấp tăng 17% so với quý trước.
- Thị trường văn phòng đã đón nhận nguồn cung mới 105.000 m2, với tỷ lệ lấp đầy đạt 81% cho văn phòng hạng A và 86% cho văn phòng hạng B.
- Thị trường bán lẻ có nguồn cung mới đạt 52.421 m2, giá thuê trung bình giảm nhẹ 1.5% so với quý trước.
- Cuối cùng là thị trường công nghiệp với lượng hấp thụ ròng đất công nghiệp đạt 79 ha trong 6 tháng đầu năm, giá thuê nhà xưởng tăng 1,1% theo quý.
Cũng tại buổi họp báo, Cushman & Wakefield Việt Nam đã công bố một khảo sát bao gồm 12 câu hỏi về việc người lao động ngày nay kỳ vọng thế nào về cách sử dụng không gian làm việc. Công ty đã thu thập phản hồi từ hơn 2.500 nhân viên của khoảng 550 công ty, có quy mô từ 25 đến 1.000+ nhân viên, đến từ 15 ngành nghề khác nhau. Kết quả của cuộc khảo sát phần lớn (82%) nhân viên được khảo sát cho biết công ty họ chưa áp dụng mô hình làm việc kết hợp. Trong khi, số còn lại đã triển khai chính sách làm việc từ xa nhưng tỷ lệ người thực hiện vẫn dưới 25%. Một kết luận khá rõ ràng rút ra từ cuộc khảo sát là 78% số người được khảo sát cho rằng công suất sử dụng văn phòng sẽ không thay đổi hoặc tiếp tục tăng thêm trong ba năm tới.
Bà Lương Thị Mỹ Thanh, Tổng giám đốc TEC cũng cho biết thêm: “Đối với một không gian có chung môi trường làm việc như TEC, một môi trường làm việc sẽ không chỉ là chiến lược ngắn hạn nữa mà phải được thiết kế toàn diện để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lâu dài hơn. Sức khỏe người lao động và tính bền vững về mặt thiết kế và trang thiết bị là rất cần thiết. Hơn nữa, không gian làm việc sẽ cần có mảng xanh, được cung cấp tối đa ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt và khả năng kiểm soát nhiệt độ môi trường bên trong tòa nhà.”
Thị trường văn phòng tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với sự linh hoạt và tập trung vào con người, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về bền vững và môi trường. Đây là những xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để có chiến lược phát triển phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút nhân tài.
Tải báo cáo tại đây: